Thời gian này mình đi nhiều, gặp nhiều và nói chuyện với nhiều người từ những người rất thành công đến các bạn trẻ vừa mới bắt đầu năm nhất tại các trường đại học, có rất nhiều điều đáng để suy nghĩ. Một trong số đó là trăn trở của các bạn trẻ về ngành, về nghề, về việc sẽ học gì, làm gì, ai sẽ hướng dẫn mình và rồi liệu những cái mình làm có đúng không, có tốt cho mình trong tương lai không? Và rồi chia sẻ của những bạn rất lo lắng khi sử dụng số tiền bố mẹ dành dụm cả đời để cho mình lên Sài Gòn học hành và lập nghiệp, chưa kể đến tâm sự của các bậc phụ huynh cố gắng bươn chải suốt ngày để phụ tài chính cho con mình từng tháng. Các bác chỉ biết cố gắng làm chứ không có rành về phát triển sự nghiệp hay cần làm gì cho các con thành công trong thời đại này. Nghĩ thôi đã thấy khó và rất khó cho các bạn, cho rất nhiều các bạn. Nghĩ hoài cũng không giải quyết được gì nên cách tốt nhất là làm, từ đó cái guide này ra đời.
Hy vọng cái guide này sẽ giúp được ít nhiều cho các bạn trong việc trả lời các câu hỏi các bạn đang có và những trăn trở của các bạn trong suốt thời gian qua, và nếu làm được thì một phần nào các bậc phụ huynh cũng sẽ bớt 1 xíu nỗi lo. Let’s go.
Có ba câu hỏi quan trọng chúng ta phải trả lời trong suốt con đường sự nghiệp của hầu hết tất cả chúng ta:
Học gì để ra trường làm được việc
Trong thời gian đi học, có thể làm gì để tăng cơ hội kiếm được việc làm tốt sau khi ra trường
Nên kiếm và join công ty nào khi ra trường để setup cho chúng ta có những thành công trong tương lai
Guide này mình sẽ cố gắng trả lời 3 câu hỏi trên để các bạn có cái nhìn tổng quát và chân thực hơn về các lựa chọn có thể có trước khi ra quyết định cho sự nghiệp của mình. Trước khi bắt đầu, 1 vài lưu ý:
Hiện tại thì có khá nhiều lựa chọn cho các bạn trẻ, có nhiều bạn bắt đầu khởi nghiệp rất sớm và trở thành entrepreneurs, phần còn lại - và là phần lớn - chọn con đường đi học, rồi đi làm rồi phát triển sự nghiệp của mình với công ty. Guide này tập trung nhiều hơn cho các bạn ở vế sau nên cho các bạn khởi nghiệp sớm, có thể không cần đọc tuy nhiên mình nghĩ cũng sẽ có nhiều thông tin có ích cho các bạn trong này, your choice.
Guide này tập trung vào các bạn có tiềm năng và có mong muốn thành công vượt bậc trong suốt sự nghiệp của các bạn ie. trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực mà các bạn chọn. Cho những bạn thích work/life balance và chỉ muốn một cuộc sống hay công việc nhẹ nhàng, trung bình là được thì cũng có thể skip qua, có khá nhiều resources ngoài kia có thể đọc cho các phần này.
Background của mình là Logistics, kinh nghiệm của mình cũng nghiêng nhiều về ứng dụng công nghệ cho Logistics nên guide của mình cũng sẽ liên quan nhiều nhất đến các ngành tương tự như Logistics và công nghệ (Tech) với các đặc tính như phát triển nhanh, thay đổi nhanh, yêu cầu cao và có nhiều cơ hội mới cho tất cả mọi người. Guide này cũng sẽ thiên vị nhiều hơn về logic và khoa học hơn là nghệ thuật do background của mình nên mình hy vọng là nó cũng có thể áp dụng được cho các nhánh nghệ thuật khác, nhưng không đảm bảo nhé.
Tất cả những thứ mình viết đều dựa trên quan điểm và góc nhìn của mình, đây là những thứ nếu được “làm lại 1 lần nữa" mình sẽ làm. Như vậy, mọi người có thể tiếp cận guide này như là một hướng dẫn để có thể có được những cân nhắc và lựa chọn tốt hơn và nó nên là bắt đầu của một quá trình chứ không phải là những thứ bắt buộc phải làm theo, và làm theo rồi sẽ thành công (tuy nhiên mình khá tự tin là nếu làm theo tốt thì khả năng thành công sẽ cao). Mình cũng tin là có rất nhiều hướng dẫn tốt và góc nhìn hay ngoài kia về vấn đề này và welcome mọi người phản hồi, góp ý để guide này tốt hơn.
Rồi, bắt đầu ha.
Phần 1: career planning - có cần thiết không?
Mình là người hay đặt câu hỏi cho tất cả mọi thứ và cho phần này cũng vậy. Trước khi viết về việc làm career planning như thế nào thì mình tự đặt câu hỏi là có cần thiết là phải làm công tác này không (do thói quen trước khi làm việc gì đó thì phải xem là nó có cần thiết phải được làm không :D), sau một hồi suy nghĩ thì mình thấy là nó không quan trọng như chúng ta vẫn nghĩ, để mình giải thích.
Ngành mình học chính là Finance & Accounting, ngoài những môn bắt buộc mình dành toàn bộ thời gian còn lại để học Economics, Econometrics và các môn thiên về kinh tế như Commodity Derivatives. Mình từng muốn làm việc trong lĩnh vực Finance, đặc biệt là commodity trading. Sau khi học xong, mình có cơ hội làm việc trong ngành bất động sản, rồi sau đó là Logistics và đối với mình cũng là khá thành công trong mảng này - mình cũng biết rất nhiều người cũng thành công và con đường mà họ chọn hoàn toàn khác với những gì họ đặt ra ban đầu.
Quan điểm: thế giới này cực kỳ phức tạp và mọi thứ thay đổi liên tục, cho nên trừ khi chúng ta có thể biết trước được tương lai thế nào, việc planning career thường sẽ có kết quả không giống như chúng ta mong đợi. Xem xét các yếu tố như sau:
Chúng ta sẽ thay đổi theo thời gian
Sở thích của chúng ta sẽ có thể thay đổi
Ngành mà chúng ta muốn làm cũng có khả năng thay đổi
Thế giới này cũng sẽ thay đổi
Cho nên, việc planning cho career nếu cần phải làm để làm cho chúng ta yên tâm hơn thì có thể làm, nhưng thực tế là không có ích lắm và sẽ giới hạn chúng ta cho việc đón nhận những thử thách hoặc cơ hội nằm ngoài cái plan của chúng ta - career planning = career limiting. Càng sớm nhận thức được việc này sẽ càng tốt hơn cho chúng ta trong việc chuẩn bị sự nghiệp của mình.
Actions: dành 1 chút thời gian để nghĩ về sở thích của mình, research về ngành mình muốn làm xem có phù hợp với mình không và quyết định rồi bắt tay vào làm. Đây là xuất phát điểm để chúng ta bắt đầu cho nên không cần tốn quá nhiều thời gian, toàn bộ thời gian và năng lượng còn lại tập trung vào thứ khác quan trọng hơn: chuẩn bị sẵn sàng cho các cơ hội khi nó xuất hiện.
100% những người thành công mà mình biết là những người luôn sẵn sàng đón nhận cơ hội và sẵn sàng để biến cơ hội thành thành công của họ, mặt khác chúng ta cũng nghe rất nhiều người hối tiếc vì đánh mất cơ hội do chưa sẵn sàng, do không biết đó là cơ hội.. Khả năng nhận diện cơ hội và nắm bắt cơ hội sẽ là một trong những chìa khoá chính và quan trọng nhất cho sự thành công trong sự nghiệp của chúng ta, cho nên là rất quan trọng để hiểu và tập trung vào nó. Phần còn lại của phần 1 sẽ tập trung hoàn toàn vào việc hiểu về các cơ hội và cách nắm bắt nó.
Cũng như tất cả mọi thứ xảy ra với chúng ta, có thể cân nhắc yếu tố bên ngoài (external) và bên trong (internal) cho cơ hội. Theo đó, cơ hội theo mình có 2 dạng chính:
Là cơ hội đến với chúng ta và
Là cơ hội do chúng ta tạo ra
Chi tiết:
Cho 1: các cơ hội đến với chúng ta thường là hệ quả của việc chúng ta xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm và thường đến với chúng ta vào lúc chúng ta ít mong đợi nhất - ví dụ khi mình rời EcoTruck thì để lại một khoảng trống cũng khá lớn cho các công tác quản lý, các bạn nhân viên trực tiếp của mình cũng có cơ hội thăng cấp và đón nhận các thử thách mới ở vị trí cao hơn. Các cơ hội này thường đến rất nhanh và đi rất nhanh, vì nếu chúng ta không nắm bắt nó thì người khác sẽ nắm bắt ngay. Đây cũng là một điểm khác biệt giữa một người làm hoài cũng vậy và một người thì lên nhanh như diều gặp gió.
Note: Phần lớn các career planning và career coach hiện nay mình thấy khi làm career planning thực chất là chuẩn bị cho các cơ hội này.
Cho 2: các cơ hội do chúng ta tự tạo ra. Đây sẽ là phần tập trung chính của mình khi viết series này vì việc xuất hiện đúng lúc đúng thời điểm cũng sẽ là một cách tốt để nắm bắt cơ hội nhưng cách tốt hơn là tự tạo cơ hội cho chính mình, đặt mình vào vị trí mà cơ hội sẽ xuất hiện. Nhiều người ngoài kia vẫn liên tục cố gắng để tạo ra cơ hội cho mình, như là liên tục học các kỹ năng mới, liên tục làm quen với những người có thể giúp họ phát triển tốt hơn hay giới thiệu họ cho các dự án thú vị hơn, liên tục suy nghĩ và tạo ra các dự án mới và có giá trị cho công ty rồi từ đó đẩy họ lên. Kết quả, họ liên tục nhận được các cơ hội tốt và liên tục phát triển. Cũng là tất yếu, vì “ai tìm thì sẽ thấy”, khi chúng ta có mục tiêu và thực sự nỗ lực để đạt được những gì chúng ta muốn thì thế giới sẽ xoay quanh chúng ta những thứ cần thiết để chúng ta có thể làm được điều đó.
Bên cạnh đó, mình cũng thấy rất nhiều người bị động, không làm gì nhiều và mong chờ cơ hội may mắn đến với mình. Rất khó và rất ít khi xảy ra, cuộc sống này quá ngắn, đừng làm vậy.
Nói như vậy không có nghĩa là cứ nhảy tới, nhảy lui khi có cơ hội xuất hiện. Chúng ta cần có cách suy nghĩ có hệ thống hơn để sắp xếp phần này. Điều này dẫn đến quan điểm của mình về thành công và cơ hội:
Trở thành người có khả năng thành công luôn quan trọng hơn bản thân của sự thành công. Nghĩa là đừng nên chạy theo định nghĩa thành công là như thế nào (là có nhiều tiền, có nhà, có xe, có tình yêu) mà câu hỏi quan trọng hơn là để có được những thứ đó, chúng ta phải là một người như thế nào. Góc nhìn này sẽ mở đường cho rất nhiều hướng chúng ta có thể làm và giúp cho chúng ta có thể sắp xếp và vạch ra chiến lược và kế hoạch cho mình. Ví dụ:
Thành công trong lĩnh vực Logistics có thể là trở thành giám đốc, quản lý tất cả hoạt động vận tải, có hàng trăm nhân viên và team cực kỳ giỏi, có mối quan hệ sâu và rộng với các anh em trong ngành etc.. Nếu áp dụng cách trên thì thay vì hỏi là làm thế nào để được vậy (rất khó trả lời) thì có thể hỏi là chúng ta phải trở thành người như thế nào để có thể đạt được thành tựu đó và theo mình thì đây là câu hỏi quan trọng và có thể thay đổi tất cả mọi thứ. Một khi chúng ta có thể chuẩn bị cho bản thân của chúng ta sẵn sàng, chúng ta sẽ có thể có khả năng tạo ra cơ hội, đón nhận cơ hội và biến cơ hội thành thành công. Nói 1 cách khác, thành nhân trước rồi thành công sau.
Sau khi đã hiểu như vậy, thì tất cả những cái chúng ta làm sẽ được sắp xếp và bố trí để bổ trợ cho việc này. Phần này sẽ giúp chúng ta nhận biết là cơ hội nào là cần thiết và cái nào nên bỏ qua. Phần lớn chúng ta sẽ không làm 1 việc và làm hoài mà khả năng cao là chúng ta sẽ cố gắng thử một vài cái cho đến khi tìm ra được công việc mà chúng ta thích. Mình khuyên các bạn trẻ là nên nhìn những công việc chúng ta làm như là một cái portfolio lớn mà trong đó có nhiều dự án nhỏ, mỗi dự án sẽ bổ trợ để xây dựng bản thân chúng ta thành người mà chúng ta muốn trở thành, thành người mà có khả năng tạo ra hay nắm bắt cơ hội khi nó xuất hiện. Nếu nhìn theo hướng đó, chúng ta có thể suy nghĩ rộng hơn và sâu hơn cho những gì chúng ta muốn làm và có thể mạnh tay gạch bỏ những thứ không liên quan.
Cũng giống như việc đầu tư, kết quả của việc đầu tư nên là sinh lời hoặc cho chúng ta leverage (đòn bẩy) để làm tốt hơn. Các kết quả khác thì không gọi là đầu tư mà gọi là dùng/tiêu xài, đầu tư thời gian và công sức của bạn chứ đừng tiêu xài nó vì tiêu xài thì sẽ mất hết còn đầu tư tốt thì thường sinh lời.
Sau khi đã hiểu về cơ hội thì chúng ta sẽ đi sâu thêm vào việc làm thế nào để chuẩn bị bản thân mình cho các cơ hội. Phần 2: Học Gì Bây Giờ sẽ tập trung vào việc trả lời câu hỏi muôn thuở là nên học gì để thành công.
Phần 2: học gì bây giờ?
Phần này sẽ cover 2 điểm chính và quan trọng: giáo dục và skills (các kỹ năng) cần thiết cho chúng ta để thành công.
Note: mình dùng từ real world để chỉ về thế giới đi làm, thế giới thực ngoài kia sau khi chúng ta kết thúc việc đi học. Nó sẽ hoàn toàn khác với những thứ chúng ta nghĩ khi còn ngồi ở ghế nhà trường, trust me :)
Như chia sẻ lúc đầu, phần này tập trung vào những bạn chọn con đường là đi học rồi phát triển sự nghiệp của công ty. Việc học để chuẩn bị cho đi làm thường sẽ rơi vào những năm đại học nên câu hỏi đầu tiên sẽ là nên học ngành nào.
Nếu bạn muốn thành công nhanh và sớm và có ích cho xã hội, “make an impact” hay “change the world” thì việc phát triển những kỹ năng có ích càng sớm càng tốt sẽ là điều ưu tiên nên làm, đại học sẽ là nơi thích hợp để bắt đầu. Cho nên theo quan điểm của mình, dùng toàn bộ khoảng thời gian của bạn ở đại học để phát triển những kỹ năng thực tế và cần thiết cho công việc ngoài kia - đam mê có thể đến cùng lúc hoặc có thể đến sau thành công. Vậy ngành nào sẽ thực sự có ích cho real world ngoài kia:
Các ngành thiên về kỹ thuật và chuyên môn sẽ có ích hơn các ngành chung chung như quản trị kinh doanh.
Lý do:
Các ngành có yếu tố kỹ thuật trong đó thường sẽ dạy cho chúng ta cách để có thể làm cái gì đó thực sự cụ thể và chắc chắn và có ích cho thế giới này. Các ngành này cũng giúp chúng ta làm quen với những vấn đề khó và phức tạp từ những năm đại học và từ các trải nghiệm này khi ra ngoài thực tế chúng ta sẽ được trang bị tốt hơn khi đối mặt với các vấn đề khó khăn hay phức tạp.
Hầu hết các ngành có yếu tố kỹ thuật như engineering, physics (vật lý), toán học (mathematics) hay economics (kinh tế học) đều trang bị cho chúng ta khả năng tư duy, logic và cách thức sử dụng data - là những thứ cực kỳ có ích cho real world - nhất là một thế giới hiện đại và liên tục thay đổi như hiện nay.
Các ngành thiên về kỹ thuật cũng là một dấu hiệu chứng tỏ sự nghiêm túc, tập trung và có mục tiêu rõ ràng cụ thể của các nhân viên tiềm năng tương lai.
So với các ngành như quản trị kinh doanh thì mình nghĩ các ngành thiên về kỹ thuật sẽ chuẩn bị tốt hơn cho các bạn trẻ về các kỹ năng thực tế cần thiết và thực sự có ích khi các bạn bước ra khỏi nhà trường. Nếu bạn đang lo là chỉ học những ngành kỹ thuật không thì sẽ thiếu những kỹ năng cần thiết khác như soft skills thì đừng quá lo, mình sẽ cover phần các kỹ năng cần thiết bên dưới.
Các ngành kỹ thuật có thể kể đến như: engineering, physics, mathematics, economics hay logistics là một trong những ngành tốt có thể chọn lựa.
Đó là đại học, vậy còn sau đại học các bạn nên học ngành nào để bổ trợ tốt cho mình và giúp mình có khả năng phát triển sự nghiệp tốt hơn?
Thực sự mà nói thì khi các bạn có một bằng đại học tốt với một ngành tốt (như các ngành phía trên) thì theo mình là các bằng sau đại học là không cần thiết lắm vì bạn hoàn toàn có thể ra ngoài kia, rock the world và làm được hầu như tất cả mọi thứ chỉ với tấm bằng đại học - been there, done that.
Cho MBA: nếu bạn muốn mở rộng network và kết nối thì học MBA, còn muốn học về business thì cách tốt nhất là mở 1 cái business.
Note: những nhận định này được viết từ một người ủng hộ quan điểm tự học, và cũng không học thêm các chương trình học sau đại học nên mọi người đọc với tâm thế cân nhắc :) mình viết trên nhận định của mình, trên logic và reasoning có được từ những thứ mình thấy, take that for what it’s worth.
Các chương trình sau đại học nói như vậy không có nghĩa là vô ích, nhưng chúng ta nên biết cách kết hợp. Mình từng có 1 bạn nhân viên khá junior, bạn vào làm công ty từ lúc còn học năm tư, sau khi kết thúc 1 năm đi làm (cũng ở vị trí rất junior), bạn bắt đầu chuẩn bị học cao học cũng cho ngành của bạn và học cao hơn. Mình có hỏi là để làm gì khi bạn ấy nhờ mình xem qua cái thesis, bạn nói cũng không biết chắc nhưng nghĩ là nó sẽ tốt hơn cho sự nghiệp, wow - không nên làm vậy.
Về cách kết hợp để maximize tác dụng của tấm bằng sau đại học: luôn luôn kết hợp các bằng cấp practical & technical (engineering, physics, mathematics, economics) với các bằng general hay arts (MBA, BA, psychology etc.). Một bằng MBA cộng với một bằng Maths theo mình sẽ có giá trị hơn nhiều so với 1 bằng MBA cộng với một bằng BA cho đại học. Cũng giống như vậy, nếu chúng ta kết hợp Economics hay Logistics với Psychology hay Marketing thì sẽ cực kỳ có giá trị, và luôn không có đủ những người có các qualifications như vậy nên thường là nếu thấy mình sẽ tuyển ngay :D
Nếu đã chọn đi làm, thì đích nhắm cuối cùng có thể là trở thành 1 CEO. Và thường là CEO sẽ không phải là người giỏi nhất về 1 cái gì đó hay giỏi nhất về tất cả mọi thứ nhưng họ sẽ rất giỏi về 1 vài thứ, cho nên mình nghĩ là sự kết hợp trên cho khía cạnh giáo dục sẽ góp phần hỗ trợ cho chúng ta để đạt được mục tiêu cuối cùng này.
Note: cho các bạn chỉ muốn con đường thành công bình thường 1 cách trung bình thì có thể bỏ qua những cái này, chỉ cần cố gắng học tốt, kiếm một công việc bình thường, không làm gì quá đặc biệt và hạn chế các vấn đề. Nhưng nếu bạn muốn con đường đó thì mình tin là các bạn sẽ không có đủ kiên nhẫn để đọc đến đây, cho nên là đi tiếp ha.
Sau ngành học thì là trường học.
Không cần suy nghĩ quá nhiều, chọn trường tốt nhất có thể chọn cho ngành của bạn học và làm mọi cách để vào được các trường này, ví dụ như kỹ thuật thì là Bách Khoa, Kinh Tế thì là Đại Học Kinh Tế. Nếu có điều kiện thì đi du học và công thức cũng lặp lại, làm mọi cách có thể để vào được trường tốt nhất cho ngành của bạn, nếu là du học thì là tốt nhất thế giới cho ngành của bạn.
Sẽ có nhiều người nói là học đâu cũng được, chủ yếu là dựa vào chúng ta hay là cứ chọn những trường bình thường rồi có điểm cao như vậy thì hồ sơ sẽ tốt hơn. Nhưng nên nhớ là mục tiêu của chúng ta không phải là trở thành những người làm việc trung bình, chúng ta muốn tối đa hoá hiệu quả thời gian chúng ta dành cho việc học và không có gì tốt hơn là được học ở 1 trường tốt nhất có thể có cho ngành của chúng ta, lý do chỉ có 1: chúng ta được tiếp cận với những người giỏi nhất trong ngành và các cơ hội có thể gọi là tốt nhất trong ngành.
Nếu lỡ không may mắn có điểm đại học không tốt thì cứ vào một trường rồi làm mọi cách để có điểm tốt rồi chuyển sang trường tốt nhất của ngành bạn học. Nếu vẫn không làm được thì cố gắng hết sức để lấy tấm bằng tốt nhất bạn có thể lấy rồi bắt đầu học cao học trong trường tốt nhất cho ngành của bạn. Nếu thực sự nghiêm túc thì thậm chí là lúc bắt đầu đi học bạn học ở 1 trường bình thường nhưng khi kết thúc bạn sẽ có tấm bằng ở một trong những trường danh giá nhất trong ngành bạn học. Đây sẽ là một điểm cộng rất lớn cho hồ sơ của bạn bên cạnh lợi ích lớn nhất là (nhắc lại) được tiếp cận với những người giỏi nhất trong ngành và các cơ hội có thể gọi là tốt nhất trong ngành.
Note: hiện tại thì nhiều công ty đã linh hoạt hơn trong chuyện bằng cấp nhưng khả năng là còn xa lắm mới đến lúc mọi người hoàn toàn không thiên vị giữa người có bằng và không có bằng, cho nên nếu đã chọn con đường đi học thì làm cái tốt nhất có thể làm là lựa chọn đúng, chúng ta còn “make an impact” và “change the world” nữa, đúng không :)
Sau khi đã giải quyết xong phần ngành và trường, thì đến phần hấp dẫn tiếp theo là làm gì thêm khi đi học.
Một cách đơn giản, mục tiêu của bạn nên là sau khi tốt nghiệp đại học bạn sẽ có khoảng 1 năm đến 1.5 năm kinh nghiệm cho một công ty tốt trong ngành của bạn và 4 năm kinh nghiệm thực tế từ các công việc bạn có thể có với trường bạn học. Các hoạt động ngoại khoá có thể cộng thêm nhưng cơ bản đây sẽ là mục tiêu của tất cả các bạn nào muốn vừa ra trường là bay ngay, có việc làm và làm tốt được ngay - cũng là điều kiện tốt nhất có thể có để thành công sớm. Cách làm:
Cho các jobs ở trường: trường nào cũng có khá nhiều công việc cần sinh viên chung tay để làm, để ý và chọn những công việc có ích và thực tế bổ trợ cho ngành của các bạn, hay ít nhất là các kỹ năng có ích. Trợ giảng hay hỗ trợ nghiên cứu là các công việc có thể nghĩ đến. Bên cạnh đó thì cũng có nhiều công tác khác bên đoàn, khoa, các câu lạc bộ, các kết nối khác của doanh nghiệp. Để ý một chút sẽ thấy rất nhiều, build 1 cái list và bắt đầu chọn rồi làm.
Kết hợp việc học tốt và hàng loạt công tác các bạn tham gia sẽ cho các bạn những lợi thế nhất định khi ứng tuyển vào các chương trình internship. Tuỳ vào khả năng của các bạn, nhưng theo mình thì chuẩn bị cho internship nên bắt đầu từ năm 2 và bắt đầu đi intern vào năm 3. Mục tiêu của chúng ta vẫn vậy, làm mọi cách để vào được các chương trình internship của các công ty tốt nhất trong ngành mà bạn theo đuổi. Có rất nhiều công ty liên tục tổ chức các buổi kết nối với nhà trường cho việc tuyển sinh, nên để ý và tham gia các sự kiện này. Mình có biết 1 vài bạn thậm chí còn đi sang trường khác để tham gia các hội thảo internship, một khi chúng ta đã muốn thì có rất nhiều cách có thể làm, ha.
Nếu thực sự nỗ lực và may mắn thì thậm chí trước khi ra trường thì đã có nhiều công ty đến tiếp cận và mời bạn về làm rồi.
Tất cả những việc khác ngoài các việc trên và việc cố gắng lấy điểm tốt theo mình là lãng phí thời gian và không cần thiết.
Quick recap, chúng ta đã cover được: nên học ngành gì, trường nào, và làm gì trong lúc học. Phần còn lại sẽ là những kỹ năng cần thiết để thành công.
Một trong những cách tốt nhất để đảm bảo là chúng ta sẽ thành công là việc phát triển các kỹ năng cần thiết, và việc này không chỉ là làm lúc còn đi học mà còn phải làm liên tục sau khi ra khỏi trường. Tốt nhất là làm liên tục và cả đời.
Có 5 kỹ năng mình thấy cực kỳ quan trọng và nếu có thể phát triển được sớm (bên cạnh những kiến thức và kinh nghiệm bạn có được từ các phần trên) thì chúc mừng, bạn là một trong số rất ít những người có khả năng thực tế có thể đáp ứng được yêu cầu công việc và sẵn sàng để thành công và make an impact on the world. Nhưng trước hết, đi qua năm kỹ năng này để đảm bảo là bạn biết nó và có kế hoạch để phát triển nó.
1. Communications: giao tiếp có thể có nhiều dạng như nói hoặc viết, tuy nhiên chúng ta tạm gọi chung là giao tiếp. Một điều tốt của giao tiếp là hầu như tất cả mọi người đều không giao tiếp tốt - phần lớn là do họ không nghiêm túc dành thời gian để phát triển kỹ năng này và đó là cơ hội của chúng ta.
Nếu kiến thức của chúng ta là 10 điểm nhưng không thể truyền đạt hoặc diễn giải cho người khác hiểu thì khả năng là năng lực của chúng ta cũng chỉ được nhìn nhận ở khoảng mức 3 mà thôi. Mặt khác, nhiều người giao tiếp tốt đến mức họ chỉ biết có 5 nhưng lúc nào cũng được nhìn nhận như là chuyên gia. You get the point.
Hoặc là nhìn xung quanh, người làm về tài chính mà có kỹ năng giao tiếp sẽ có lợi thế hơn rất nhiều so với những người làm cùng chức năng nhưng không thể giao tiếp. Ví dụ rõ nhất là với những bạn engineer và các bạn làm về kỹ thuật - những người hay có suy nghĩ là thế giới này vận hành theo logic và tất cả những người khác sẽ hiểu những cái họ nói nếu áp dụng logic. Mình thích góc nhìn này, nhưng thực tế thì khác xa suy nghĩ và phức tạp hơn nhiều - cho nên mấy bạn làm về kỹ thuật hay tự hỏi là sao mình nói hợp lý vậy mà mấy ông vận hành với sales lại không hiểu, ha!
Có nhiều cách để phát triển kỹ năng này và tài liệu thì luôn có trên internet (google 1 cái là ra nhiều đến mức không thể đọc hết). Bạn có thể phát triển bằng cách giao tiếp nhiều hơn, học nhiều hơn, tham gia các khóa học giao tiếp - standup comedy hay public speaking là các khoá học tốt. Bên cạnh đó các bạn cũng nên đọc nhiều và rất nhiều, khả năng giao tiếp của bạn sẽ tăng đáng kể nếu bạn dành đủ thời gian để đọc.
Note: đầu tư thêm thời gian để học tiếng Anh. Nếu không có gì tốt hơn để làm thì việc học tiếng Anh để có thể đọc và tiếp thu được các kiến thức là một trong những khoản đầu tư có khả năng sinh lời cao nhất trong tất cả những thứ mình biết.
Khi bạn bước ra real world, sẽ rất khó để có thể làm bất cứ việc gì, từ phỏng vấn, thuyết trình, tranh luận hay change the world nếu như bạn không giao tiếp được tốt. Nhớ nhé.
2. Sales: những bạn không thích sales khoan lắc đầu. Sales ở đây không phải là bán cây viết này cho tôi trong 2 phút hoặc cố gắng mọi cách để đạt được doanh số - mặc dù cả 2 đều là những bài tập rất tốt và có ích - sales ở đây mình muốn nói đến là khả năng thuyết phục người khác về một thứ gì đó là tốt nhất cho họ, trong nhiều trường hợp mà họ không biết hoặc không nhận ra được điều đó cho đến khi chúng ta sales.
Ở góc nhìn này thì đây là khả năng tương tác với người khác và làm cho họ làm những điều mà bạn muốn với điều kiện là điều đó hợp lý và cũng cho họ những thứ mà họ mong muốn.
Cũng giống như communications, một điều may mắn là rất nhiều người không thích sales (có lẽ vì sales hay bị từ chối) - vậy thì những ai sales tốt đều cũng sẽ có lợi thế tốt hơn. Về mặt kỹ năng thì bên cạnh giao tiếp, Sales sẽ là kỹ năng tối quan trọng và có ích cho chúng ta không những là trong sự nghiệp và cho cả cuộc sống của chúng ta - có thể kể đến việc phỏng vấn, tuyển dụng, trình bày một ý tưởng, dự án, trao đổi với BA để có bản phân tích sớm hơn và thậm chí giúp chúng ta tỏ tình và kiếm được người yêu. Không quá để nói là hầu như tất cả mọi thứ chúng ta làm đều có 1 phần sales trong đó, chỉ là chúng ta không nhận ra.
Có nhiều cách để phát triển kỹ năng này, cách nhanh nhất vẫn là làm - sales thử. Tham gia vào các hoạt động cần kỹ năng giao tiếp và cần bán 1 cái gì đó: ví dụ như các hoạt động gây quỹ, bán sản phẩm để góp tiền mua quà cho trẻ em, bán tài liệu học etc. Tham gia vào các hoạt động của phòng sales trong thời gian thực tập cũng là một cách hay và là những trải nghiệm tốt cho chúng ta.
Ngoài ra, sales còn dạy cho chúng ta nhiều đức tính tốt như kiên nhẫn, chịu đựng và không sợ bị từ chối, là những thứ cực kỳ quan trọng khi bước ra ngoài real world. Không có gì để bàn cãi, học và phát triển kỹ năng sales, càng sớm càng tốt.
3. Finance:
Đây cũng là một trong những kỹ năng mình thấy là có ích nhất nhưng mọi người lại bỏ qua. Lập luận là không thích làm về tài chính do sợ toán, do nhiều con số khô cằn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình thì việc có kiến thức về tài chính như là các nguyên tắc tài chính, các bảng cân đối tài chính, ngân sách và kế hoạch tài chính, cấu trúc tổ chức hay equity và debt hay thị trường tài chính sẽ là một bổ trợ cực kỳ tốt cho chúng ta cho dù chúng ta làm ở bất kỳ ngành nghề nào.
Mình từng học nhiều về kế toán, tài chính và economics và thực tế thì nó giúp cho mình khi đi làm cực kỳ nhiều và đó cũng là một trong những kỹ năng giúp mình làm được những thứ mình làm nên rất khuyến khích mọi người đầu tư thời gian vào cho kỹ năng này.
Bên cạnh đó, rất ít người nào làm đến quản lý mà không có kỹ năng về tài chính. Chưa nói đến mức đó, nếu khả năng về tài chính và số quá tệ, khả năng là sẽ không ai giao cho chúng ta những công việc và vị trí quan trọng - welcome to real world.
Về khía cạnh cá nhân, trừ khi nào bạn xuất thân từ một gia đình cực kỳ giàu có, hầu hết tất cả chúng ta đều cần cân nhắc và quản lý về tài chính của mình - và việc này sẽ làm chúng ta mất rất nhiều thời gian nếu không có kỹ năng quản lý tài chính tốt. Có kỹ năng tốt về tài chính cũng sẽ giúp chúng ta sắp xếp được mọi thứ tốt hơn, đánh giá mọi thứ tốt hơn để ra các quyết định hiệu quả. Nhiều người mình thấy đi làm một thời gian mới thấy là mình cần thêm về kiến thức và kỹ năng về tài chính (thường là khi họ có cơ hội được promote lên một vị trí quan trọng có quản lý budget hay các công tác liên quan đến tài chính), rồi họ bắt đầu đi học và phát triển kỹ năng này, quá muộn - trong khi người khác nếu có chuẩn bị trước thì đã hoàn toàn sẵn sàng cho vị trí đó.
Một cách nhanh để phát triển kỹ năng này là tìm những người giỏi và hỏi họ, nhờ họ chỉ cho mình. Nếu bạn rất giỏi về khoa học và máy tính hay công nghệ thì cứ giao lưu với mấy bạn bên khoa tài chính kinh tế rồi trao đổi, chỉ học các ứng dụng hay và đổi lại bằng các kiến thức tài chính - lúc này sẽ thấy kỹ năng giao tiếp và sales quan trọng như thế nào ha. Thêm nữa có thể bắt đầu đọc các ấn phẩm về tài chính như WSJ hay FT hay The Economists, đọc liên tục trong 1 thời gian dài sẽ thẩm thấu và chúng ta sẽ biết rất nhiều thứ mà chúng ta cần biết. Về chi phí: cực kỳ rẻ, nhiều khi không bằng 1 ly trà sữa cho tạp chí. Giá trị: 10/10.
4. Management: chủ yếu ở đây là quản lý con người.
Có thể hỏi bất cứ anh chị nào có kinh nghiệm đi làm lâu năm, họ sẽ nói cho bạn khía cạnh khó nhất trong công việc là con người. Và để có thể làm được ở những vị trí tốt và thành công thì không thể nào tránh khỏi việc phải làm việc với con người, manage con người và lead những người này. Nên đây cũng sẽ là một kỹ năng sống còn với chúng ta.
Có nhiều cách có thể phát triển kỹ năng này, nhưng cơ bản là chủ động đặt bản thân bạn ra ngoài kia để có cơ hội tiếp xúc và làm việc với con người, để có cơ hội lead và quản lý họ. Ví dụ như khi đi học thì chúng ta có thể xung phong làm lớp trưởng hoặc lớp phó, khi có bài thuyết trình thì cứ xung phong làm trưởng nhóm, khi có idea gì đó thì cứ đề xuất rồi lập team rồi làm. Đặt bạn ở vị trí có thể phát triển kỹ năng này, rồi bạn sẽ có thể phát triển được.
Changing the world không thể làm một mình được, cho nên là cần thiết để có kỹ năng này trong hộp đồ nghề của chúng ta. Hoàn thiện kỹ năng này, càng sớm càng tốt.
5. Marketing
Mình ngồi suy nghĩ nhiều để chọn một kỹ năng còn lại có ích cho guide này và tất cả mọi câu trả lời đều chỉ về marketing, lý do:
Marketing có thể kết hợp và bổ trợ được cho tất cả các kỹ năng khác
Marketing sẽ giúp cho chúng ta biết thêm nhiều về human psychology (tâm lý con người)
Sẽ là 1 điểm cộng tốt cho kỹ năng giao tiếp của chúng ta
Chưa kể đến sự phát triển của content business hiện nay nữa, cho nên sẽ là thiếu sót rất lớn nếu thiếu kỹ năng này trên hành trang sự nghiệp của chúng ta.
Và đó là 5 kỹ năng mình nghĩ là quan trọng và cần thiết để giúp chúng ta maximize cơ hội thành công. Và như có chia sẻ, chúng ta sẽ phải liên tục phát triển các kỹ năng này vì việc học là việc cả đời cho nên là nếu bỏ qua thì sẽ chững lại và sẽ sớm tụt lại về phía sau.
Lời cuối cùng trước khi các bạn sẵn sàng bước sang real world là một lời nhắn nhủ của mình. Nếu bạn muốn trở thành 1 nhân viên, 1 quản lý xuất sắc và đạt đến thành công cũng như là đỉnh cao của sự nghiệp, bạn nên chuẩn bị tinh thần và những kỹ năng cần thiết sẵn sàng vì rất nhiều lúc bạn sẽ thấy mình ở trong tình huống mà bạn phải ra quyết định khi không có đủ thông tin, cùng với nhiều áp lực của thời gian, chưa kể đấu đá và chính trị của công ty. Rất nhiều lúc bạn sẽ làm sai và nhiều lúc những cái sai của bạn sẽ phải trả những cái giá rất đắt, và cũng sẽ có rất nhiều lúc bạn sẽ thấy mình cực kỳ stupid, sẽ thấy mình cực kỳ thiếu năng lực và không biết rất nhiều thứ. Sẽ luôn có những lúc như vậy. Đừng để nó làm lung lay bạn, cũng đừng sợ và hoài nghi bản thân, đó là một phần của của con đường mà chúng ta chọn, chúng ta sẽ vấp vài lần nhưng sẽ phải đứng dậy ngay và tiếp tục đi vì đó là cách đúng và cũng là cách duy nhất để có thể làm được những thứ chúng ta muốn làm. Bên cạnh 5 kỹ năng trên thì đây có thể là kỹ năng có giá trị nhất bạn có thể học trong đời, cố gắng học và master nó càng sớm càng tốt nhé.
Phần 3: Nên kiếm và join công ty nào khi ra trường để setup cho chúng ta có những thành công trong tương lai
Phần này mình định viết, nhưng thay vì viết mình sẽ làm một loạt những cuộc trao đổi, chia sẻ cũng như workshop để mọi người tự tìm kiếm và có câu trả lời cho mình. Hoặc nếu vẫn chưa trả lời được thì mình sẽ viết tiếp cũng chưa muộn :D Mọi người nhớ tham gia nhen.
Buy me a coffee if you find this piece of writing is helpful for you :) - do it here
Comments