top of page

Harvey's Guide To a Dream Job

Writer's picture: Harvey TranHarvey Tran

Công việc chiếm phần lớn thời gian trong cuộc sống của chúng ta, nên chọn cái gì đó đúng và phù hợp là một việc cực kỳ quan trọng vì nó ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của chúng ta. Tuy là vậy, nhưng việc đánh giá và chọn một công việc đúng và phù hợp đã là một chuyện khó, chưa nói đến một công việc mơ ước còn khó hơn. Và cũng như tất cả mọi thứ, chúng ta thường sẽ không tìm được thứ chúng ta muốn nếu chúng ta không biết là chúng ta muốn gì. Nên cái đầu tiên là phải hiểu được một công việc tốt là thế nào, sau khi hiểu được thì chúng ta sẽ nghĩ được cách sẽ tìm nó ở đâu và tìm thế nào.


Mình viết guide này với mục đích hỗ trợ các bạn trong việc đánh giá và định hình các công việc mọi người đang làm, và xa hơn là để có thể tìm cho mình một công việc mơ ước của mình - hoặc đơn giản hơn là giúp các bạn đang loay hoay trong công việc của mình, không thích công việc mình đang làm nhưng không biết là tại sao - đây có thể là câu trả lời :)


Trước khi bắt đầu, sẽ là vài cái notes của mình để giúp mọi người đọc guide này tốt hơn.

  • Công ty mơ ước và công việc mơ ước là 2 thứ khác nhau, vì công ty là 1 tổ chức bao gồm nhiều cá thể và hoạt động trong đó. Công việc của chúng ta thường chỉ là 1 phần của công ty. Cho nên công ty mà bạn mơ ước muốn vào có thể có hoặc không có công việc mà bạn mơ ước (dream job), không nhất thiết là công ty nào lớn, to và đẹp cũng có dream job.

  • Cũng như tiền, dream job cũng chỉ là medium tức là trung gian để chúng ta đạt được cái gì đó, chứ không nên là mục tiêu cuối cùng. Ví dụ: nếu kiếm tiền là mục tiêu cuối cùng thì hầu hết mọi người đều sẽ không kiếm tiền được, nhưng kiếm tiền để lo cho gia đình, người yêu thì sẽ có nhiều động lực hơn và sẽ có thể cố gắng hơn. Cho nên tiền chỉ là công cụ chứ không phải là đích đến cuối cùng, dream job cũng vậy. Câu hỏi quan trọng: có dream job để làm gì?

  • Dream job sẽ không có sẵn ở đó mà nếu có thỉ chỉ là 1 phần nhỏ, phần còn lại là chúng ta phải bắt tay vào xây dựng. Nói cách khác, sẽ không có 1 job nào gọi là dream nếu không có sự tham gia và đóng góp công sức của chúng ta vào xây dựng. Cho tất cả những ai đang nghĩ là có chỗ người ta đã xây sẵn dream job rồi, mình chỉ bắt đầu làm thôi thì nên suy nghĩ lại.

  • Và cũng do dream job là một quá trình cần được xây dựng qua thời gian cùng nhiều nổ lực nên chúng ta cần chấp nhận nhiều dream job không hoàn thiện, nghĩa là chỉ hội đủ 1 vài phần trên tổng số các phần cấu thành 1 dream job. Như vậy theo mình nghĩ cũng ổn, vì chạy về giấc mơ và ngày càng tiến gần vẫn đỡ hơn là nằm mơ hoài.

  • Cái gì cũng có vấn đề của nó và dream job cũng vậy, cho nên tất cả sẽ không phải là màu hồng. Điều này thực sự hợp lý vì phải có cái không tốt thì mới có cái tốt và thường những cái khó lại cho giá trị nhiều. Cho nên trên hành trình tìm kiếm và xây dựng dream job của mình, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề và khó khăn nhưng đó là điều tất yếu vì mọi thứ đều có giá của nó và giá càng cao thì thường thứ đó càng có nhiều giá trị.

  • Vì mỗi người là mỗi khác nhau, nên một công việc có thể là mơ với một người nhưng cũng có thể là ác mộng đối với người khác. Cho nên là không có cách nào khác, chúng ta phải tự tìm kiếm và đánh giá cho cho dream job của mình thay vì chạy theo những thứ của người khác.

  • Cũng giống như tất cả những thứ khác - ai tìm thì sẽ thấy. Nghĩa là tìm shit job thì sẽ gặp hoài shit job, còn tìm dream job thì dream job sẽ xuất hiện. Còn không tìm thì khả năng là sẽ không bao giờ thấy.

Đọc lại lần nữa các notes trên để warm-up, bây giờ chúng ta sẽ đi vào các yếu tố cấu thành 1 dream job.

Có rất nhiều yếu tố cấu thành 1 dream job và cũng có rất nhiều người chia sẻ về vấn đề này, tuy nhiên phần lớn mình thấy là thông tin khá phân mảnh và rời rạc dẫn đến việc hiểu và sử dụng chưa mấy hiệu quả làm (hệ quả là nhiều người mỗi sáng thức dậy đều không muốn đi làm mà không hiểu lý do là tại sao). Một công việc nếu gọi là dream thì theo mình phải đảm bảo được 2 thứ: fulfilling life job satisfaction, chúng ta có thể tách phần cuộc sống ra và chỉ cần thoả mãn công việc thôi nhưng theo mình là khó vì chúng ta không phải là cái máy, vì trong lúc làm việc chúng ta vẫn sống và vì nếu chỉ có thoả mãn công việc thôi thì không quá khó và chưa đủ để cấu thành cái gọi là dream job.

Một dream job mà có fulfilling life và job satisfaction thường được cấu thành bởi 6 yếu tố, các yếu tố này đan xen và bổ trợ lẫn nhau để trở thành một tổng thể hoàn chỉnh.

  1. Engaging - hấp dẫn và cuốn hút để làm Những công việc hấp dẫn và cuốn hút là những việc chúng ta làm và quên luôn cả thời gian, hay từ địa phương là “làm không cần nhìn đồng hồ". Xem một cuốn phim hay hoặc chơi game là các ví dụ điển hình, các hoạt động này được thiết kể để nâng cao độ engaging đối với người xem và người chơi lên cao hết mức có thể và từ đó đạt được kết quả tối ưu (cũng có lý do tại sao gamification lại thành công đến vậy trong việc tạo ra engaging trong công việc). Một game tốt và hấp dẫn người chơi thường có các yếu tố sau: nhiều cấp độ phù hợp để người chơi lựa chọn (quá khó sẽ nản và quá dễ sẽ chán), sự tự do để chọn lực những thứ chúng ta muốn làm, các tác vụ rõ ràng từ đầu đến cuối, đánh giá kết quả và feedback rõ ràng sau mỗi giai đoạn của game, nhiều tác vụ đa dạng để người chơi có thể chọn. Đây cũng là những thứ chúng ta có thể đánh giá cho công việc của chúng ta, vì nếu có thì công việc sẽ rất engaging còn nếu không có thì dễ chán và mệt. Engaging là quan trọng vì thực sự khi đi làm thì mức lương, title, loại hình công ty cũng quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn là những thứ chúng ta làm hằng ngày, hằng giờ. Có ý nghĩa gì nếu title cao nhưng suốt ngày cắm đầu vào công việc bào mòn sức khoẻ và tinh thần đúng không?

  2. Công việc mà chúng ta có thể làm tốt Như có nói ở trên, công việc quá dễ sẽ dẫn đến dễ chán còn quá khó thì rất nản. Làm những cái chúng ta có thể làm tốt sẽ cho chúng ta một cái gọi là sense of achievement (cảm giác đạt được 1 cái gì đó) - là một trong những thành phần chính để cấu thành life satisfaction. Ngoài ra, khi chúng ta làm những cái chúng ta giỏi, người ta sẽ tin tưởng và giao cho chúng ta nhiều thứ khác hay hơn để làm hoặc nói cách khác chúng ta cũng sẽ có nhiều power hơn để thương lượng về những project hay những công tác có ý nghĩa mà chúng ta muốn tham gia. Như vậy, kỹ năng sẽ chiếm ưu thế trong phần này hơn là sở thích. Đây cũng là phần cần chú ý, ví dụ như bạn thích nhạc và muốn làm ca sĩ nhưng lại hát rất tệ thì khả năng là bạn sẽ phải theo đuổi một công việc nghệ thuật rất tệ cho những công ty cũng rất tệ. Điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ nên làm những thứ chúng ta làm tốt mà là ít nhất chúng ta nên làm những thứ chúng ta có tiềm năng trở nên tốt hơn. Có nhiều đam mê chỉ nên giữ ở mức đam mê, vì nhiều khi cố chấp và cứng đầu theo đuổi rồi khi thảm hoạ của cuộc sống ập đến thì lại đau khổ triền miên. Đừng nên như vậy.

  3. Công việc có thể giúp được cho người khác Phần lớn những công việc mà chúng ta cảm thấy chán và không có ích là vì chúng ta không thấy là nó giúp ích được cho người khác. Ví dụ điển hình là startup cố gắng push sản phẩm ra để kéo khách hàng dùng với mục tiêu là phát triển và gọi vốn hơn là mang lại sản phẩm giá trị cho người dùng, lúc này thì nội bộ bên trong cũng làm việc điên cuồng nhưng không biết mình làm cho cái gì ngoài việc phát triển công ty và làm giàu cho shareholders. Giúp cho người khác cũng có nghĩa là làm cho công việc của đồng nghiệp và bạn bè tốt hơn và đây là một công việc, môi trường chúng ta muốn tìm kiếm. Tuy nhiên quan trọng hơn là sản phẩm và công ty có thực sự được tạo ra để giúp đỡ cho người khác hay không (giúp có nghĩa là làm cho cuộc sống của một người tốt hơn ở mặt nào đó), vì nếu không thì tất cả mọi thứ và mọi cố gắng đều không có nhiều ý nghĩa và khi sản phẩm đã không có giá trị thì công ty lúc nào cũng sẽ có vấn đề. Mà liên tục có vấn đề thì sẽ dẫn đến nhiều hệ quả, you get the picture. Đến thời điểm hiện tại cũng đã có nhiều bằng chứng cho thấy giúp đỡ người khác là một trong những yếu tố mạnh mẽ và hiệu quả nhất để có được life satisfaction: những người tình nguyện thì ít trầm cảm và khoẻ mạnh hơn, những người hay cho đi nhiều thì thường vui vẻ hơn và đặc biệt có 1 survey chỉ ra là những người ủng hộ từ thiện thường cảm thấy tốt về cuộc sông của họ như những người kiếm được gấp đôi số tiền. Vì nó là quan trọng, cho nên một dream job là một công việc không thể thiếu thành phần quan trọng là: giúp đỡ được người khác.

  4. Đồng nghiệp hỗ trợ nhau: Tất cả những lợi ích như laptop, điện thoại, bàn bi lắc, hồ bơi, snack sẽ không có ý nghĩa nhiều nếu chúng ta ghét những người làm chung với chúng ta và chúng ta phải làm việc cho 1 sếp đến từ địa ngục :) - tất cả lợi ích đều sẽ tan biến vì thử hỏi nếu như vậy thì chúng ta sẽ lắc bi cùng ai và sẽ bơi cùng ai? Ở trên mình có nói là khi đi làm thì chúng ta vẫn sống, mà để sống tốt thì cần có các mối quan hệ tốt. Chúng ta không cần kết bạn với tất cả mọi người hoặc là thích tất cả mọi người tại chỗ làm việc, tuy nhiên rất là quan trọng để có 1 vài người bạn ở chỗ làm hoặc ít nhất là có thể làm việc với một vài người tương đồng và hợp cạ với chúng ta. Việc hỗ trợ nhau thường được thể hiện rõ nhất trong lúc xảy ra vấn đề, còn khi xảy ra vấn đề mà thấy ai cũng quay lưng bận bịu thì khả năng cao chúng ta đang ở trong một cái shit job. Nhiều người khi nghĩ đến dream job thường chỉ nghĩ đến vai trò và công việc chúng ta sẽ làm, nhưng những người chúng ta làm chung cũng là một yếu tố quan trọng mà chúng ta cần cân nhắc. Một sếp tồi có thể huỷ hoại cả một vị trí xịn, 1 công việc đơn giản và chán cũng có thể trở thành vui và thú vị khi làm cùng với một người bạn tâm giao (trà đá vỉa hè là một ví dụ). Nên khi cân nhắc một công việc thì nên xem xem là ai là người chúng ta sẽ làm chung và văn hoá của chỗ làm có ủng hộ và kiến tạo việc giúp đỡ lẫn nhau, feedback và cùng phát triển không hay đấu đá và ganh đua nhau. Cho những bạn đang đi làm rồi thì nhìn xung quanh và suy nghĩ thử, chúng ta sẽ thấy nhiều điều.

  5. Không có quá nhiều cái tiêu cực: Đây sẽ là phần liên quan trực tiếp đến job satisfaction, thậm chí là có đủ hết các yếu tố trên nhưng khi vướng phải các điều này. Bao gồm 3 cái chính: - Thời gian làm việc quá dài - ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sức khoẻ - Lương không công bằng - thường là quá thấp - An toàn công việc - nghĩa là công việc không rõ ràng, chắc chắn và rất mông lung - có thể bị cho nghĩ lúc nào không biết Những cái tệ trong công việc là những cái mà khi chúng ta làm thường cảm thấy ngại, xấu hổ và có lỗi. Những cái này cũng có thể bỏ vào danh sách những cái tiêu cực, và cũng có rất nhiều người viết về những cái này rồi nên mình đi qua nhanh.

  6. Công việc phù hợp với cuộc sống của chúng ta Chúng ta sẽ không nhất thiết phải hy sinh tất cả để có được một dream job và nếu là như vậy thì cái job đó cũng không là dream được. Mỗi người mỗi cảnh mỗi khác nên nhiều khi một công việc đơn giản bình thường nhưng cho họ đủ thời gian, sức lực và tài chính để làm và theo đuổi những đam mê khác của họ - như vậy cũng có thể gọi là dream job rồi. Cho nên là cân nhắc điều này khi đánh giá một công việc có phải là tốt với mình hay không.

Đây là 6 yếu tố cấu thành 1 cái mình gọi là dream job và đây chỉ mới là bắt đầu nhưng mình hy vọng là sẽ cho các bạn những cái nhìn tổng quan và toàn diện hơn về một công việc tốt sẽ như thế nào. Từ đó các bạn có thể sử dụng để đánh giá và tìm kiếm cho chính bản thân mình. Cho dù lời khuyên “follow your passion" có nhiều lỗ hỗng như thế nào thì bản thân mình nghĩ theo đuổi những đam mê và những cái chúng ta thích cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chúng ta sẽ thành công không vì chỉ khi làm cái chúng ta thực sự thích và đam mê thì chúng ta mới có thể phát huy hết tất cả khả năng và đột phá trên con đường của mình. Và cũng thực sự là một thiếu sót và là một đánh đổi quá lớn nếu phải đổi lấy những thứ bên trên cho một công việc mà chúng ta không thích. Đây sẽ là một việc rất khó và phức tạp để suy nghĩ cho nên có lẽ cách đơn giản hơn để làm là chọn một công việc nào đó chúng ta làm tốt (hoặc có thể làm và trở nên tốt hơn - thường thì đây cũng là những việc chúng ta thích vì chỉ khi thích chúng ta mới làm tốt và rất tốt) và có giá trị/ có thể giúp đỡ cho người khác. Và do đây cũng là xuất phát điểm của nhiều người tốt khi tìm kiếm công việc nên khả năng cao chúng ta cũng sẽ có nhiều cơ hội tìm được các yếu tố còn lại trong 1 dream job trong những công việc này.

Về bản thân mình thì trong 6 yếu tố trên thì có lẽ ưu tiên đầu tiên sẽ thuộc về yếu tố giúp đỡ người khác, mình mượn vài cái quote để nói lên điều này:

Set your heart on doing good. Do it over and over again and you will be filled with joy.” – Buddha

A man’s true wealth is the good he does in this world.” – Muhammad

Every man must decide whether he will walk in the light of creative altruism or in the darkness of destructive selfishness.” – Martin Luther King, Jr.

Cho công việc và cho cuộc sống, nếu mục tiêu của chúng ta là làm những cái gì đó có giá trị và có thể giúp được cho cuộc sống của một ai đó tốt hơn và chúng ta nổ lực liên tục để làm những điều đó thì tưởng thưởng sẽ vô cùng xứng đáng. Và ngược lại thì tất cả những cái hào nhoáng khác cũng sẽ tan biến đi khi các giá trị này bị gạt bỏ hay tệ hơn là bị lợi dụng để làm lợi riêng cho một ai đó.


Đây sẽ là một chặng đường dài, rất dài cho đến khi mỗi người chúng ta tìm được dream job cho chính mình. Vì nó là dài và khó nên mình hy vọng mọi người nên bắt tay làm sớm và tìm kiếm cho mình một cái mà chúng ta luôn mong muốn. Cuộc sống nhiều lúc bận bịu, công việc nhiều lúc khó khăn và không như ý nhưng nhiều khi những cái khó và những cái không tốt đó lại chính là những thứ giúp chúng ta nhận ra là chúng ta thực sự muốn gì và không muốn gì. Chịu khó quan sát, đặt câu hỏi và lắng nghe chính bản thân mình rồi liên tục nổ lực tìm kiếm câu trả lời. Làm như vậy, mình tin là tất cả chúng ta sẽ tiến gần hơn đến một cái là dream job và càng sớm thì chúng ta càng có nhiều cơ hội và điều kiện hơn để giúp những người khác cũng có được dream job của họ. Đó là những gì mình mong muốn khi viết cái guide này, mong là mọi người luôn có được công việc mà mình mơ ước có.



 

Buy me a coffee if you find this piece of writing is helpful for you :) - do it here

1,094 views0 comments

Related Posts

See All

Harvey's Guide to Lead - Decision Making

Harvey's Guide to Lead. The Ripple Effect of Empowerment: How Letting Go Creates a Culture of Innovation and Empowered Leaders.

Harvey's Guide to Evaluate a Piece of Advice

Mấy bữa trước mình có thấy 1 post cực kỳ viral nhưng nội dung thì theo mình đánh giá là nếu không dùng cẩn thận thì các tác dụng không...

Comments


My Newsletters
whoever seeks shall find - ai tìm thì sẽ thấy
Mình viết và gửi Newsletter mỗi tuần một lần vào Chủ Nhật. Mỗi newsletter sẽ b
ao gồm các chủ đề về phát triển sự nghiệp, phát triển bản thân và các công cụ cần thiết để các bạn làm việc và sống tốt hơn.
10 phút đọc 1 tuần để có kiến thức về việc phát triển bản thân, sự nghiệp và làm cho cuộc s
ống mình tốt hơn nhe.

Subscribe để nhận ngay 1 bộ notion planning template bao gồm tất cả mọi thứ cần thiết để plan cho cuộc sống của mình nhé.

© 2023 by harvey tran

  • Facebook
  • LinkedIn
bottom of page